Quảng Ninh mạnh tay “làm sạch” môi trường du lịch

Đẩy mạnh quản lý môi trường kinh doanh du lịch “xanh” và “sạch”là một trong những giải pháp Quảng Ninh quyết liệt thực hiện thời gian qua nhằm xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách.

Quyết liệt, đồng bộ

Đã có thời điểm không ít du khách đến với Quảng Ninh – thành phố du lịch – bị phiền lòng bởi tình trạng bán hàng rong, ăn xin, ăn mày, cò mồi, đeo bám chèo kéo tại các tuyến, điểm thăm quan, khu vui chơi giải trí; nhà hàng, khách sạn không thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá…

Dù các ngành liên quan đã “ra quân” xử lý nhưng vì nhiều lý do tình trạng trên vẫn tiếp diễn, ảnh hướng lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, kiểm tra, xử lý mạnh các vi phạm trong môi trường kinh doanh du lịch.

Chỉ tính riêng trong tháng 4/2013, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh phối hợp với UBND TP. Hạ Long đã phát hiện, xử lý 16 nhà bè kinh doanh hải sản di dời không đúng quy định; 6 trường hợp đeo bám khách du lịch để bán hải sản; phá dỡ 5 hàng quán vi phạm trật tự đô thị và xử lý 4 trường hợp bán hàng rong… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức kiểm tra nhằm phát hiện các trường hợp bán hàng rong, ăn xin, đánh giầy trên địa bàn phường Bãi Cháy. Chuyển biến tích cực được ghi nhận. Hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu từng mang nhiều “tai tiếng” như Bãi Cháy, Vườn Đào, Công viên quốc tế Hoàng Gia, bãi tắm Thanh Niên, Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy… cơ bản được chấn chỉnh. Nạn đeo bám du khách, chặt chém về giá cả từng bước được dẹp bỏ.

Để kiểm soát giá dịch vụ và nhằm mang đến hình ảnh ngành du lịch Quảng Ninh chuyên nghiệp hơn với du khách, Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã công bố 4 đường dây nóng: 033.3822232 (Phòng Nghiệp vụ – Thanh tra, Chi cục QLTT); 033.3825416 (Đội QLTT số 5, TP. Hạ Long); 033.3827189 (Đội QLTT số 1- Đội cơ động, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ trên vịnh Hạ Long); 033.3629567 (Đội QLTT số 14 – Đội cơ động chống hàng giả) – sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin của du khách khi phát hiện các vi phạm liên quan đến giá cả, an toàn thực phẩm…

Dấu hiệu tích cực

Theo Sở Văn hoá – Thông tin và Du lịch Quảng Ninh, lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh 4 tháng đầu năm đạt gần 3,7 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế trên 1 triệu lượt), đạt 49% kế hoạch cả năm và tăng 17% so cùng kỳ. Riêng trong tháng 4, lượng khách đến Quảng Ninh ước đạt 759.500 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh khoảng 1.737 tỷ đồng. Dịp lễ hội Carnaval Hạ Long và nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan tăng đột biến – trung bình mỗi ngày có khoảng 1,5 vạn du khách.

Đáng nói là, dù lượng khách du lịch tăng cao trong dịp nghỉ lễ, nhưng do làm tốt công tác kiểm tra, xử lý, quản lý tại các điểm vui chơi giải trí, nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn nên đã hạn chế đến mức tối đa tình trạng chèn ép, đẩy giá, làm phiền lòng du khách.

Chị Trần Thị Ngọc (ngõ 445 Lạc Long Quân, Hà Nội) cho biết: Phải hơn 4 năm, giờ chị mới quay trở lại Hạ Long – Quảng Ninh. Ấn tượng nhất với chị là môi trường du lịch biển đã được làm sạch hơn, nghỉ ngơi trên những bãi biển cũng thoải mái hơn. “Chuyến du lịch của gia đình tôi an toàn hơn, vui vẻ hơn. Ba ngày nghỉ ở đây tôi không hề bị làm phiền, không hề phải “đề cao” cảnh giác khi dạo trên những bãi biển và cũng như khi mua sắm, ăn uống”, chị Ngọc chia sẻ

Bà Marita, du khách Úc, phải thốt lên rằng: Vịnh Hạ Long của các bạn quả thật rất xứng đáng với danh hiệu là di sản, kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.Tôi cũng đã được tham quan làng chài trên Vịnh, khám phá và trải nghiệm cuộc sống giản dị nơi đây. Tất cả thật tuyệt vời.Đến với Hạ Long, chúng tôi-những khách du lịch thực sự đã trở thành những “thượng đế” bởi thái độ phục vụ nhiệt tình, thân thiện của đội ngũ nhân viên.

Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý mạnh những sai phạm trong kinh doanh du lịch; đồng thời tuyên truyền cho người dân – những chủ thể trực tiếp của Di sản Thiên nhiên thế giới nếp sống văn hóa của ngành du lịch, nhằm phần nào giúp họ thay đổi hành vi trong giao tiếp và ứng xử với du khách một cách văn minh, thân thiện hơn.